Chiếm cứ Trường An Loạn_Hoàng_Sào

Cũng trong ngày Đường Hy Tông chạy trốn, tướng tiên phong Sài Tồn (柴存) của quân Hoàng Sào tiến vào Trường An, Kim ngô đại tướng quân của Đường là Trương Trực Phương cùng một số quan văn võ nghênh tiếp đại quân Hoàng Sào nhập thành. Thượng Nhượng tuyên bố với người dân Trường An rằng: "Hoàng Vương khởi binh là vì bách tính, không như họ Lý khi trước không yêu thương dân chúng, hãy an cư đừng sợ hãi". Hoàng Sào hạ lệnh phát tán tài vật cho người nghèo nhằm giành được sự ủng hộ của bách tính song không phái đại quân truy kích Đường Hy Tông. Tuy nhiên, mặc dù Thượng Nhượng đảm bảo rằng tài sản của dân chúng sẽ được tôn trọng, song quân lính của Hoàng Sào nhiều lần cướp bóc trong kinh thành, Hoàng Sào và Thượng Nhượng không ngăn cản nổi. Hoàng Sào chuyển đến sống trong hoàng cung của triều Đường, cũng hạ lệnh đồ sát các thành viên hoàng tộc Đường đang nằm trong tay quân nổi dậy.[10]

Tháng 11 năm Quảng Minh thứ 1 (tức 16 tháng 1 năm 881 DL), Hoàng Sào tức vị ở Hàm Nguyên điện, đặt quốc hiệu là Đại Tề, đặt niên hiệu là Kim Thống. Ông lập Tào thị làm hoàng hậu, bổ nhiệm Thượng Nhượng là thái úy kiêm trung thư lệnh, Triệu Chương là thị trung, quan lại cũ của triều Đường là Thôi CầuDương Hi Cổ được bổ nhiệm làm 'đồng bình chương sự'; Mạnh KhảiCái Hồng là tả hữu bộc xạ; Phí Truyền Cổ là xu mật sứ, Bì Nhật Hưu là 'hàn lâm học sĩ'. Thoạt đầu, Hoàng Sào muốn duy trì cấu trúc triều đình Đường, ông cho các quan nguyên triều thuộc hàng tứ phẩm trở xuống được tiếp tục tại nhiệm miễn là họ thể hiện quy phục, loại bỏ các quan lại hàng tam phẩm trở lên. Các quan lại triều Đường không quy phục bị hành hình tập thể.[10] Hoàng Sào cũng cố gắng thuyết phục các tướng Đường ở phiên trấn quy phục, và có một số người chấp thuận như Gia Cát Sảng, Vương Kính Vũ, Vương Trọng Vinh, và Chu Ngập, song cuối cùng những người này lại quay về trung thành với Đường.[10][12] Hoàng Sào cũng cố gắng thuyết phục Phượng Tường tiết độ sứ Trịnh Điền quy phục, song Trịnh Điền từ chối. Hoàng Sào sau đó khiển Thượng Nhượng và Vương Bá (王播) đi đánh chiếm Phượng Tường, song quân Đại Tề chiến bại vào mùa xuân năm 881.[10]

Tướng Đường là Trịnh Điền tiếp tục kháng cự Đại Tề ở Phượng Tường[chú 51], vì thế vào mùa xuân năm 881, Hoàng Sào khiển Thượng Nhượng và Vương Bá (王播) suất 5 vạn quân tiến công Trịnh Điền. Quân Đại Tề xem nhẹ Trịnh Điền, tuy nhiên Trịnh Điền cùng với Đường Hoằng Phu (唐弘夫) giăng bẫy quân Đại Tề ở Long Vĩ pha[chú 52], kết quả là quân Đại Tề bị tiêu diệt. Sau đó, Trịnh Điền truyền hịch kêu gọi binh lính toàn Đại Đường tiến công Đại Tề. Theo ghi chép thì nhờ tuyên bố của Trịnh Điền mà người dân Đại Đường mới biết rằng Đường Hy Tông vẫn còn sống.[10] Trong khi đó, tại Trường An có người viết thơ châm biếm các quan lại Đại Tề ở cửa Thượng thư tỉnh. Thượng Nhượng tức giận, khoét mắt các đầy tớ làm việc tại tỉnh và cho treo ngược họ, trong khi bắt tất cả những người có tài làm thơ trong thành, sát hại khoảng 3.000 người trong số họ.[10]

Sau khi Trịnh Điền chiến thắng quân Đại Tề, các tiết độ sứ, bao gồm cả Trịnh Điền và đồng minh Đường Hoằng Phu (唐弘夫), Vương Trọng Vinh, Vương Xử TồnThác Bạt Tư Cung hội quân gần Trường An vào mùa hè năm 881, hy vọng có thể nhanh chóng chiếm được thành. Do người dân Trường An quay sang tiến hành kháng cự lại quân Đại Tề ngay trong thành, Hoàng Sào buộc phải rút quân ra ngoài thành. Tuy nhiên, khi quân Đường tiến vào Trường An, họ đánh mất kỷ luật và tiến hành cướp bóc kinh thành. Quân Đại Tề sau đó phản công vào ban đêm và đánh bại quân Đường tại Trường An, giết chết Kính Nguyên tiết độ sứ Trình Tông Sở (程宗楚) và Đường Hoằng Phu, các tướng Đường khác phải triệt thoái khỏi Trường An. Hoàng Sào lại tiến vào Trường An, và do tức giận trước việc người dân Trường An hiệp trợ cho quân Đường, Hoàng Sào hạ lệnh tiến hành đồ sát dân chúng. Sau đó, Trịnh Điền buộc phải trốn chạy do Phượng Tường có binh biến, quân Đường tại Quan Trung trong một thời gian không thể hiệp đồng và tái chiếm Trường An.[10]

Vào mùa xuân năm 882, Đường Hy Tông khi đó đang ở Thành Đô, bổ nhiệm Vương Đạc là Chư đạo hành doanh đô thống, giám sát các chiến dịch chống Đại Tề. Sau đó, quân Đường bắt đầu tập hợp lại tại khu vực quanh Trường An, và khu vực do Đại Tề kiểm soát nay chỉ giới hạn tại Trường An và những nơi ngay sát thành, cùng với Đồng châu (同州) và Hoa châu (華州)- nay đều thuộc Vị Nam. Hoạt động canh tác bị gián đoạn do chiến tranh, vì thế khu vực Quan Trung xảy ra nạn đói, cả quân Đường và quân Đại Tề đều phải dùng thịt người làm quân lương.[10] Đến tháng 9 năm 882, Đồng châu phòng ngự sứ Chu Ôn của Đại Tề giao chiến với Vương Trọng Vinh, tuy nhiên Chu Ôn thất bại và đầu hàng, được Đường bổ nhiệm làm 'hữu kim ngô đại tướng quân', ban tên là Toàn Trung. Vào mùa đông năm 882, Hoa châu cũng rơi vào tay quân Đường, lãnh thổ Đại Tề nay chỉ còn giới hạn tại Trường An.[12]

Tuy nhiên, vào thời điểm này, quân Đường vẫn không thực sự nỗ lực để tái chiếm Trường An. Trong khi đó, theo đề xuất của Hành doanh đô giám Dương Phục Quang, Vương Đạc cũng ban chiếu chỉ xá tội cho tù trưởng Sa Đà-cựu phản tướng Lý Khắc Dụng, lôi kéo Lý Khắc Dụng tiến công Đại Tề, Lý Khắc Dụng chấp thuận và suất hơn 1 vạn quân đến Đồng châu vào mùa đông năm 882 và hợp binh với các đội quân Đường khác.[10][12] Vào mùa xuân năm 883, quân Đường đánh bại 15 vạn quân Đại Tề do Thượng Nhượng thống soái, sau đó tiếp cận Trường An. Trong khi đó, các tướng Đại Tề là Vương Phan (王璠) và Hoàng Quỹ (黃揆, em của Hoàng Sào) tái chiếm Hoa châu[chú 53], song sau lại bị Lý Khắc Dụng bao vây. Hoàng Sào phái Thượng Nhượng đi giải vây cho Hoa châu. Vào tháng 4 năm Trung Hòa thứ 3 (883), Lý Khắc Dụng tiến vào Trường An, Hoàng Sào không thể kháng cự nổi nên từ bỏ Trường An và chạy trốn về phía đông.[12] Quân Hoàng Sào vừa chạy vừa rải vàng bạc châu báu dọc đường, quân Đường tranh nhau nhặt nên không thể đuổi kịp quân Hoàng Sào.